1. Nếu chúng ta cho rằng học ngữ pháp có hiệu quả, thì tại sao người học vẫn liên tục mắc lỗi?
Có hai nguyên nhân. Một là lý do về tu từ (rhetorical slots). Nếu chúng ta dạy một lượng ngữ pháp dày quá, người học không thể tiếp thu nổi. Cần giảm bớt ngữ liệu. Hai là lý do về khoảng trống kiến thức (mental slots), tức là có những hiện tượng ngữ pháp xuất hiện ở ngôn ngữ này nhưng không có trong hệ thống ngôn ngữ kia, ví dụ phạm trù số nhiều tồn tại trong tiếng Anh nhưng không có trong tiếng Việt. Điều này gây khó khăn cho người học, cần có những bài tập đặc thù để khắc phục.
2. Nên dạy ngữ pháp theo phương pháp suy diễn hay không?
Nếu chúng ta quan niệm rằng dạy ngữ pháp suy diễn có nghĩa là tạo cho người học một cơ hội hiểu phương thức các yếu tố ngôn ngữ trong tiếng Anh kết hợp với nhau như thế nào, nó hoạt động ra sao, chứ không phải đưa ra quy tắc cho người học nhớ thuộc lòng, thì việc dạy ngữ pháp suy diễn sẽ có hiệu quả. Trên thực tế dạy ngữ pháp suy diễn và ngữ pháp quy nạp không thể tách rời được. Một yếu tố nữa tác động đến hiệu quả là đối với một (số) yếu tố ngữ pháp nhất định, chúng ta dành cho nó bao nhiêu thời gian và tạo bao nhiêu tình huống tiếp cận.
3. Đưa ngữ pháp vào chương trình như thế nào? Những lợi ích và hạn chế của việc tách ngữ pháp thành những giờ dạy riêng trong một khóa học kỹ năng?
Có hai cách đưa ngữ pháp vào chương trình: (1) Sau khi luyện kỹ năng mới đưa ngữ pháp vào (skills-based); (2) Đưa ra những bài tập ngữ pháp trước, sau đó bổ xung những bài tập kỹ năng (grammar-based). Cả hai biện pháp này đều có thể đạt hiệu quả như nhau.
Sự lựa chọn tùy thuộc vào tình huống. Ví dụ ở những nơi chỉ có ba giờ tiếng Anh một tuần chẳng hạn, cách thứ nhất có hiệu quả. Nhưng nếu một tuần có tới 25 giờ tiếng Anh hoặc hơn nữa thì nên tách một số giờ để học riêng ngữ pháp.
Như vậy có thể tập trung thời gian vào luyện những điểm ngữ pháp quan trọng, có thể đánh giá được bài học ngữ pháp có hiệu quả như thế nào, có thời gian trả lời mọi câu hỏi của người học, có thời gian để nâng cao khả năng sử dụng chính xác ngôn ngữ mục tiêu, có thời gian cho người học thực hành sử dụng cấu trúc ngữ pháp.
Về mặt tâm lý, người học luôn luôn mong muốn biết được toàn cảnh của một bức tranh, biết được đầy đủ quan điểm, tránh được việc dạy từng mẩu một, tuần này một ít rồi chờ đến tuần sau lại một ít. Như vậy chúng ta cần quan niệm một giờ ngữ pháp là một giờ phát triển tri thức (mental development), hỗ trợ những bài tập kỹ năng, không phải giờ học thuộc lòng quy tắc. Đồng thời giờ ngữ pháp cũng làm giảm bớt sự ám ảnh của ngôn ngữ mới.
4. Chúng ta giúp học sinh phát triển độ chính xác về ngôn ngữ trong giao tiếp ứng biến bằng lời như thế nào?
Một trong các kỹ thuật thường được sử dụng là nghe ngữ pháp (grammar listener), tức là bài tập chỉ định một học sinh trong lớp giám sát lời nói của những người đang giao tiếp, ghi lại lỗi, sau đó cả nhóm rút kinh nghiệm.
5. Ngữ pháp trong văn cảnh (Grammar in context)
Có bằng chứng nào cho thấy học sinh học có hiệu quả hơn khi ngữ pháp được giới thiệu và luyện tập trong văn cảnh?
Ngôn ngữ chỉ được cảm thụ trong quá trình giao tiếp. Hiểu về một mẫu câu chỉ có thể có được trong một văn cảnh lớn hơn chứ không phải trong khi đang học một điểm ngữ pháp. Nên sử dụng cách luyện mẫu câu một cách cơ học theo phương pháp truyền thống (old-style mechanical sentence practice), nếu mẫu câu đó khó cảm thụ.
6. Có cần sửa tất cả các lỗi của học sinh, ví dụ khi chấm luận, hay chỉ tập trung vào những cấu trúc quan trọng mà thôi?
Không có một quy tắc khái quát cho mọi trường hợp. Giáo viên là người xử lý vấn đề này một cách linh hoạt: đôi khi cần sửa mọi lỗi, đôi khi chỉ cần sửa những lỗi cụ thể theo yêu cầu của mình. Tùy thuộc vào tình huống. Nhưng người thày cần biết những lỗi nào học sinh không thể tự sửa được, để sửa lỗi giúp họ.
7. Khi nào cần đưa ngữ pháp vào trong một chương trình dạy viết, nếu chúng ta không có giờ dạy ngữ pháp riêng?
Chỉ sau khi hiểu được câu học sinh nói/viết, chúng ta mới bàn đến ngữ pháp. Nếu học sinh dựng một câu mà bạn không hiểu thì yêu cầu anh ta viết lại, cho đến khi hiểu được, chứ không nên sửa lỗi ngay khi mình chưa hiểu được câu đó có nghĩa gì. Tuy nhiên không nên bỏ sót lỗi. Sửa lỗi phải mang tính sản sinh ngôn ngữ chứ không phải chỉ cần đạt được độ chuẩn xác.
8. Ngữ pháp viết và ngữ pháp nói khác nhau. Chúng ta có cần dạy điều này không?
Học sinh cần biết sự khác nhau này.
9. Chúng ta phải làm gì trước những thay đổi trong sử dụng tiếng Anh, ví dụ Everyone has their own opinions. Chúng ta xử lý như thế nào khi sách giáo khoa nói rằng động từ "love" không được dùng ở thời đang tiến hành (progressive tenses), nhưng học sinh lại đọc được quảng cáo viết I'm loving it.
Chúng ta phải giải thích cho học sinh về hiện tượng biến đổi này: Có được toàn xã hội công nhận hoặc chỉ do thành phần nào đó tạo ra? Ví dụ I'm loving it là quảng cáo của cửa hàng ăn nhanh MacDonald.
10. Có nghiên cứu nào đề xuất cần phải cấm dùng tiếng mẹ đẻ khi dạy ngữ pháp? Có biện pháp nào xác nhận kết luận này là đúng?
Tiếng mẹ đẻ có thể sử dụng khi học sinh trong lớp đều là người một nước. Tuy nhiên còn tùy thuộc tình huống.
11. Chúng ta không có đủ thời gian dạy mọi thành tố ngữ pháp. Vậy cái gì là cần thiết? Không có thời gian để dạy nhiều ngữ pháp, vậy bình diện nào là quan trọng nhất cần phải dạy cho một lớp trình độ high-intermediate hoặc advanced với thời lượng 20 giờ/tuần?
Giáo viên là người thích hợp nhất đưa ra quyết định này trong tình huống giảng dạy của mình vì giáo viên là người hiểu rõ nhất học sinh của mình hay lầm lẫn điều gì và ảnh hưởng của nó đến khả năng hiểu (comprehensibility) và khả năng chấp nhận (acceptability) của học sinh mình.
12. Coi như chúng ta chỉ có một thời lượng hạn chế để dạy tất cả những điểm ngữ pháp phức tạp trong khóa học, vậy có một liệt kê nào về những lỗi quan trọng mà người học hay mắc, cần phải luyện kỹ?
Xem Learner English Michael Swan & Bernard Smith
13. Trong một lớp học ngữ pháp chúng ta nên nói về thuật ngữ tới mức nào để học sinh có thể hiểu được mình đang học cái gì mà không cảm thấy choáng ngợp hoặc lúng túng? Học sinh cần biết thuật ngữ đến mức dộ nào? Ví dụ, chúng ta có nên bắt học sinh dùng thuật ngữ "quá khứ phân từ" hay chỉ dùng dạng thứ 3 của động từ, hoặc chỉ giơ ba ngón tay là cũng đạt hiệu quả như dùng thuật ngữ?
Học sinh cần hiểu được ý nghĩa của thuật ngữ chứ không phải chỉ biết thuật ngữ ấy, không phải chỉ cần ghi nhớ quy tắc là được. Người thày cần giảng giải và đưa ra ví dụ minh họa để học sinh nắm được cách sử dụng một thuật ngữ. Xin lưu ý: chúng ta đang dạy cách sử dụng (teaching usage) chứ không dạy nội hàm của thuật ngữ (teaching subject matters)
14. Dạy ngữ pháp cho trẻ (Teaching Grammar to young learners)
"Tôi là giáo viên dạy trẻ, 3-8 tuổi. Chúng ta dạy ngữ pháp như thế nào cho trẻ ở nhóm tuổi này?" Khi dạy tiếng Anh cho trẻ ở lứa tuổi tiền học đường và mẫu giáo, chúng tôi tập trung chủ yếu vào từ vựng, nhưng cũng phải làm mẫu những hiện tượng ngữ pháp cần thiết. Vào thời điểm nào chúng ta nên làm mẫu theo phương pháp suy diễn (explicit approach) để giới thiệu cấu trúc ngữ pháp?
Trước hết chúng ta cần phân biệt hai tình huống giảng dạy, đó là ESL hay EFL để lựa chọn phương pháp thích hợp, theo xu hướng đương thời.
Xem chi tiết các ứng dụng TẠI ĐÂY